Chuyên mục
Nhận tin hữu ích
Đăng ký nhận tin
Chủ đề bạn quan tâm:

Bài viết mới

Bài viết thú vị? Chia sẻ ngay:

Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp

Mục lục bài viết

1. Chuyển đổi số là gì?

Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 03/6/2020.

  • Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số.
  • Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Tin học hóa, hay còn gọi là ứng dụng công nghệ thông tin, là việc số hóa quy trình nghiệp vụ đã có. Thông thường, tin học hóa không làm thay đổi quy trình đã có hoặc mô hình hoạt động đã có. Khi tin học hóa ở mức cao, dẫn đến thay đổi quy trình hoặc thay đổi mô hình hoạt động, thì gọi là chuyển đổi số.

Trong cuộc sống, con người giao tiếp với nhau bằng tín hiệu tương tự, biểu diễn dưới dạng giọng nói. Còn trong môi trường số, các thiết bị tính toán giao tiếp với nhau bằng tín hiệu số, biểu diễn dưới dạng tín hiệu nhị phân là 0 và 1. Công nghệ số, hiểu theo nghĩa rộng, là công nghệ xử lý tín hiệu số, hay công nghệ thông tin.

Còn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, hiểu theo nghĩa hẹp, là một bước phát triển cao hơn, là bước phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn, với chi phí rẻ hơn. Còn hiểu theo nghĩa rộng, công nghệ số là một trong các nhóm công nghệ chính của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với đại diện là công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo… Cách hiểu theo nghĩa rộng phổ biến hơn.

2. Làm sao để đánh giá mức độ chuyển đổi số của một doanh nghiệp?

Để đánh giá mức độ chuyển đổi số của một doanh nghiệp, Bộ Thông Tin Truyền Thông đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Bộ Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp bao gồm 03 Chỉ số: (1) Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; (2) Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp lớn; (3) Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số tập đoàn, tổng công ty; cụ thể như sau:

2.1. Cấu trúc Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp

a) Cấu trúc 06 trụ cột của Bộ Chỉ số: Cả 03 Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn và tập đoàn, tổng công ty đều được cấu trúc theo 06 trụ cột (pillar) gồm: (1) Trải nghiệm số cho khách hàng, (2) Chiến lược, (3) Hạ tầng và công nghệ số, (4) Vận hành, (5) Chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp, và (6) Dữ liệu và tài sản thông tin. Trong mỗi trụ cột có các chỉ số thành phần, trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí;

b) Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa có cấu trúc 6 trụ cột như điểm a, khoản này với tổng số gồm 10 chỉ số thành phần và 60 tiêu chí cụ thể.

c) Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp lớn có cấu trúc 6 trụ cột như điểm a, khoản này với tổng số gồm 25 chỉ số thành phần và 139 tiêu chí cụ thể.

d) Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số tập đoàn, tổng công ty có cấu trúc 6 trụ cột như điểm a, khoản này, được tổng hợp trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các đơn vị thành viên nhân với trọng số thích hợp.

2.2. Các mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp

Mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp được chia thành các cấp độ cụ thể như sau:

a) Mức 0 – Chưa chuyển đổi số: doanh nghiệp hầu như chưa có hoạt động nào hoặc có nhưng không đáng kể các hoạt động chuyển đổi số;

b) Mức 1- Khởi động: Doanh nghiệp đã có một số hoạt động ở mức độ khởi động việc chuyển đổi số của doanh nghiệp;

c) Mức 2 – Bắt đầu: Doanh nghiệp đã nhận thức được sự quan trọng của chuyển đổi số theo các trụ cột và bắt đầu có các hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp trong từng trụ cột của chuyển đổi số. Chuyển đổi số bắt đầu đem lại lợi ích trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của khách hang;

d) Mức 3 – Hình thành: Việc chuyển đổi số doanh nghiệp đã cơ bản được hình thành theo các trụ cột ở các bộ phận, đem lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho các hoạt động của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của khách hàng. Doanh nghiệp đạt chuyển đổi số mức 3 là bắt đầu hình thành doanh nghiệp số;

đ) Mức 4 – Nâng cao: Chuyển đổi số của doanh nghiệp được nâng cao một bước. Nền tảng số, công nghệ số, dữ liệu số giúp tối ưu nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp đạt chuyển đổi số mức 4 cơ bản trở thành doanh nghiệp số với một số mô thức kinh doanh chính dựa trên nền tảng số và dữ liệu số;

e) Mức 5 – Dẫn dắt: Chuyển đổi số doanh nghiệp đạt mức độ tiệm cận hoàn thiện, doanh nghiệp thực sự trở thành doanh nghiệp số với hầu hết phương thức kinh doanh, mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên và được dẫn dắt bởi nền tảng số và dữ liệu số. Doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt chuyển đổi số, tạo lập hệ sinh thái doanh nghiệp số vệ tinh.

2.3. Thang điểm và phương pháp đánh giá chuyển đổi số doanh nghiệp

a) Thang điểm và phương pháp đánh giá chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tổng điểm đánh giá của Chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa là 320 điểm, được chia cho các trụ cột theo các mức từ 0 đến 5, trong đó thang điểm tối đa (mức 5) của các trụ cột như sau: (1) Trải nghiệm khách hàng: 65 điểm; (2) Chiến lược số: 25 điểm; (3) Hạ tầng và công nghệ số: 80 điểm; (4) Vận hành: 65 điểm; (5) Chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp: 50 điểm; (6) Dữ liệu và tài sản thông tin: 35 điểm.

Việc đánh giá chuyển đổi số doanh nghiệp trước hết được thực hiện theo từng trụ cột. Căn cứ vào tổng điểm đạt được của các tiêu chí thuộc trụ cột, đối chiếu với thang điểm đánh giá trong Bảng thang điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa để xác định mức độ chuyển đổi số của trụ cột đó.

Mức độ chuyển đổi số tổng thể của doanh nghiệp sẽ được xác định căn cứ trên tổng hợp điểm đánh giá của các trụ cột và mức độ chuyển đổi số của từng trụ cột.

b) Thang điểm và phương pháp đánh giá chuyển đổi số doanh nghiệp lớn

Doanh nghiệp lớn được tổ chức theo mô hình công ty mẹ – con thì áp dụng phương pháp đánh giá tập đoàn, tổng công ty.

Doanh nghiệp lớn không tổ chức theo mô hình công ty mẹ – con thì áp dụng trực tiếp Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp lớn, cụ thể như sau:

Tổng điểm đánh giá của Chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp lớn là 695 điểm, được chia cho các trụ cột theo các mức từ 0 đến 5, trong đó thang điểm tối đa (mức 5) của các trụ cột như sau: (1) Trải nghiệm khách hàng: 125 điểm; (2) Chiến lược số: 120 điểm; (3) Hạ tầng và công nghệ số: 145 điểm; (4) Vận hành: 110 điểm; (5) Chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp: 110 điểm; (6) Dữ liệu và tài sản thông tin: 85 điểm.

Việc đánh giá chuyển đổi số doanh nghiệp trước hết được thực hiện theo từng trụ cột. Căn cứ vào tổng điểm đạt được của các tiêu chí thuộc trụ cột, đối chiếu với thang điểm đánh giá trong Bảng thang điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp lớn để xác định mức độ chuyển đổi số của trụ cột đó.

Mức độ chuyển đổi số tổng thể của doanh nghiệp sẽ được xác định căn cứ trên tổng hợp điểm đánh giá của các trụ cột và mức độ chuyển đổi số của từng trụ cột.

c) Thang điểm và phương pháp đánh giá chuyển đổi số tập đoàn, tổng công ty

Việc đánh giá mức độ chuyển đổi số của tập đoàn/tổng công ty được tổng hợp trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các đơn vị thành viên (gồm công ty mẹ và các công ty con, đơn vị thành viên, đơn vị sự nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, …  của tập đoàn/tổng công ty).

Việc đánh giá chuyển đổi số doanh nghiệp trước hết được thực hiện theo từng đơn vị thành viên. Tuỳ theo loại hình và quy mô, từng đơn vị thành viên sẽ áp dụng Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp lớn hoặc Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực hiện đánh giá.

Nguồn: Bộ Thông Tin Truyền Thông và www.dbi.gov.vn

Bài viết liên quan
Nhận tin hữu ích
Đăng ký nhận tin
Chủ đề bạn quan tâm:

Liên hệ tư vấn CDS